Đang tải...

Tiếng Anh
message zalo

AN TOÀN SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI LỢN

02/11/2023

An toàn sinh học (ATSH) là các hoạt động và giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài vào trại, ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh hiện có trong trại, ngăn chặn sự thoát ly và lây lan của mầm bệnh từ trại nhiễm đến trại khác không bị nhiễm, và giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và lây lan mầm bệnh vì sức khỏe cộng đồng (bệnh truyền nhiễm giữa người và động vật).

Cấp độ an toàn sinh học

  • Cấp độ 1: Các quy trình ATSH phải được thực hiện và tuân thủ hàng ngày, đồng thời có mức độ đảm bảo ở mức cao rằng dịch bệnh và mầm bệnh không thể xâm nhiễm vào trại, đồng thời giảm thiểu nguy cơ truyền lây giữa các chuồng trong khu vực sản xuất. Quy trình này được xem là yêu cầu tối thiểu.
  • Cấp độ 2: Trong trường hợp bùng phát dịch bệnh khẩn cấp hoặc dịch bệnh đặc hữu nghiêm trọng, quy trình ATSH trong trường hợp có dịch sẽ được thực hiện. Mục tiêu là để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi mối đe dọa ngày càng tăng của mầm bệnh từ ngoài xâm nhiễm vào trại và/hoặc sự tái nhiễm/lây lan trong đàn (trong trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm).

AN TOÀN SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI LỢN

1. An toàn sinh học vòng ngoài

a. Phương tiện ra vào trại

Được xác định thuộc nhóm nguy cơ cao khó kiểm soát. Phương tiện (xe chở cám thuốc-vật tư, xe chở heo, xe chở chất thải, xe khách…) di chuyển trên diện rộng và có khả năng tiếp cận với nhiều nguồn bệnh khác nhau. Phương tiện có thể mang mầm bệnh từ ngoài vào trại và mang mầm bệnh từ trại ra ngoài. Vì vậy việc VSST phương tiện trước khi đến trại và trước khi vào trại cần được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Đường vào trại phải được rắc vôi bột  ≥2 lần/tuần và chiều dài đường rắc ≥ 100m. Quy trình kiểm soát phương tiện gồm các bước sau:

  • Đỗ tại nơi quy định ngoài cổng trại.

  • Tất cả thảm lót chân phải được lấy ra, rửa sạch, phun/ngâm sát trùng và phơi khô.

  • Phun sát trùng ngoài trại toàn thân-đầu-gầm-bánh-nóc xe (lần 3). Phun như rửa xe (≥100 lít/lần). Chờ ngoài trại ≥60 phút.

  • Sát trùng bề mặt buồng lái bằng cồn ≥70% và/hoặc chiếu đèn UV trong thùng xe và buồng lái ≥60 phút.

  • Phun lại sát trùng như lần đầu (lần 4).

  • Lăn bánh qua hố sát trùng, bật hệ thống sát trùng phun sương ≥ 5 phút.

  • Cho xe vào trại theo hướng dẫn và đỗ đúng vị trí quy định cho từng loại xe (có biển báo dừng đỗ), không được di chuyển vào trại hoặc di chuyển sâu vào trại và gần khu nuôi.

  • Thực hiện nhanh gọn nhiệm vụ và nhanh chóng rời trại.

  • Sau khi rời trại phải lăn bánh qua hố sát trùng.

  • Riêng xe cám và xe chở heo nhập trước khi rời trại phải được phun sát trùng ngoài xe và trong thùng xe ngay cổng trại.

  • Rắc vôi và sát trùng kỹ từ cổng trại đến nơi đỗ trong trại sau khi xe rời trại.

  • Sử dụng xe trung chuyển để vận chuyển một số hàng hoá vật dụng ra vào trại. Sau khi thực hiện xong công việc, xe trung chuyển phải được rửa sạch và phun thuốc sát trùng bằng tỷ lệ 1:100 rồi đỗ đúng nơi quy định.

  • Phương tiện khi ra khỏi trại phải thông báo lộ trình và điểm đến cho quản lý và Phòng Kỹ thuật để theo dõi và giám sát.

b. Hàng hóa vật dụng ra vào trại

Hàng hóa và vật dụng (HHVD) ra vào trại đa dạng, có nhiều khả năng bị vấy nhiễm mầm bệnh. Vì vậy khi hàng hóa và vật dụng được chở/mang đến trang trại phải được làm sạch bề mặt bằng cồn ≥70%, phun sát trùng, xông sát trùng và/hoặc sát khuẩn bên trong bằng tia UV/ngâm ozon trước khi ra vào trại.

c. Người ra vào trại

Đối với CBCNV về phép quay lại trại

Thực hiện Quy định chung trong đề mục này.

Trước khi về phép chuẩn bị 1 bộ quần áo-dép/ủng sạch của trại để ở nhà sát trùng cổng chính. Tắm gội, rửa thật kỹ, thay quần áo, giày/ dép dân sự rồi ra về.

Trước khi quay lại trại phải báo cho bảo vệ sát khuẩn quần áodép/ủng của trại (đã chuẩn bị trước khi về phép) dưới đèn UV ≥60 phút. Các vật dụng cá nhân được thực hiện theo mục HHVD ra vào trại.

Nghỉ cách ly trước cổng trại ≥1 ngày.

Cách ly tại Khu cách ly cho người mới đến ≥2 ngày.

Trong thời gian ≥1 ngày không được vào khu nuôi và được bố trí làm việc khác ở Khu làm việc và sinh hoạt.

Đối với khách đến công tác, học tập (bao gồm kiểm tra nội bộ)

Thực hiện Quy định chung trong đề mục này.

Khách đến công tác ≤2 ngày không được vào khu nuôi, chỉ ở Khu làm việc và sinh hoạt. Trừ trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của quản lý trại và phải thực hiện các bước ở Quy định chung trước khi vào trại. Thời gian cách ly có thể ≤1 ngày.

Khách đến công tác >2 ngày phải tuân thủ các bước mỗi khi ra vào Khu chuồng nuôi.

Đối với lãnh đạo, các bộ phận chức năng trong tập đoàn đến công tác trong ngày phải VSST thật kỹ, trang bị đầy đủ bảo hộ.

Chỉ được đến các khu theo chức trách nhiệm vụ được giao và phải có người của trại hướng dẫn theo luồng, không được di chuyển sang khu khác nếu chưa được phép của quản lý trại.

Đối với khách mua heo và nhân viên bán heo

Thực hiện Quy định chung trong đề mục này.

Lái xe và những người đi cùng không được vào sâu trong trại, không được vào gần khu nuôi và không tiếp cận với CBCNV trại (không bắt tay, đứng ngồi đúng nơi quy định).

Chỉ cho 1 khách hàng mua heo và 1 nhân viên bán heo tiếp cận cầu cân khi đến lượt, những người còn lại được ngồi chờ ở nơi quy định.

Nhân viên cân heo và bán heo hạn chế tiếp xúc gần khách hàng, không được tiếp xúc với nhân viên lùa heo.

Nhân viên lùa heo xong phải tắm gội, rửa thật kỹ và thay quần áo-ủng trước khi quay lại chuồng nuôi tiếp tục công việc.

Kết thúc bán hàng, nhân viên cân heo và bán heo quay về phòng sát trùng, tắm gội-rửa thật kỹ, ngâm sát trùng quần áo-ủng và về Khu làm việc và sinh hoạt, không quay lại Khu chuồng nuôi.

Đối với nhà cung ứng, thu gom chất thải và nhân viên trung chuyển

Thực hiện Quy định chung về VSST trong đề mục này.

Nhân viên trung chuyển không tiếp xúc trực tiếp/gần với lái xe và khách.

Kết thúc giao nhận hàng nhân viên quay về phòng sát trùng, tắm gộirửa thật kỹ, ngâm sát trùng quần áo-ủng và về Khu làm việc và sinh hoạt, không quay lại Khu chuồng nuôi.

Đối với CBCNV Khu chuồng nuôi

Thực hiện Quy định chung về VSST trong đề mục này. Thực hiện các bước/quy trình ở Khu chuồng nuôi.

d. Khu vực xung quanh trại và chuồng nuôi

Khu vực xung quanh trại và bên ngoài chuồng nuôi là những vành đai ATSH đầu tiên của một trại. Để tham gia thực hiện ATSH, các khu vực xung quanh trại và ngoài chuồng cần chú ý một số điểm sau:

  • Phải có tường rào bao quanh trại để ngăn chặn người lạ và động vật trung gian xâm nhập.
  • Phải có tường/hàng rào phân biệt rõ khu các khu
  • Không nuôi động vật khác ngoài lợn.
  • Không trồng các cây lâu năm, cây ăn quả,…thu hút động vật trung gian.
  • Thường xuyên xua đuổi/diệt động vật trung gian khu trú trong và xung quanh chuồng/trại.
  • Khuôn viên xung quanh trại và trong trại luôn đảm bảo mỹ quan, sạch sẽ và thông thoáng.
  • Đảm bảo cống rãnh luôn thông thoát, không ứ đọng.
  • Đường dẫn kết nối giữa các chuồng phải ở sau dàn mát và có mái che. Có bố trí hố sát trùng trước khi đi ngang qua mỗi chuồng nuôi. Phương tiện, vật tư, con người phải đảm bảo vào và ra theo 1 luồng.
  • Thực hiện tổng VSST khu vực xung quanh trại và bên ngoài chuồng nuôi theo 3 bước (i) phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh, (ii) nhặt, thu gom, sắp xếp và xử lý rác, vật liệu,..., (iii) rắc vôi và phun thuốc sát trùng tổng thể 89, 90. Thực hiện tổng VSST ≥2 lần/tháng (không dịch) hoặc ≥4 lần/tháng (có dịch). Việc thực hiện VSST thường xuyên sẽ giúp trại hạn chế được mầm bệnh xâm nhiễm vào chuồng bởi khoảng cách giữa chuồng và môi trường ngoài chỉ ≤1 vách tường.

2. An toàn sinh học vòng trong

a. Khu vực chuồng nuôi

Quy tắc chung

  • Phải có hệ thống VSST trước khi bước vào khu chuồng nuôi (bao gồm phun sát trùng, tắm gội-rửa thật kỹ, thay quần áo-ủng của khu chuồng nuôi; chiếu UV vật dụng và đồ dùng cá nhân mang vào khu chuồng nuôi).
  • Không sử dụng ủng thủng.
  • Phải là chuồng kín, sử dụng công nghệ chăn nuôi trên chuồng sàn tiết kiệm nước, có hệ thống điều chỉnh tự động nhiệt, ẩm độ và thông thoáng. Điều kiện tiểu khí hậu chuồng nuôi và chất lượng không khí trong chuồng nuôi cần được đảm bảo.
  • Mật độ chăn nuôi không quá cao.
  • Tấm làm mát được bao bọc lưới chống chuột.
  • Phải có tường rào riêng.
  • Các chuồng nuôi cách nhau ≥20m.
  • Đầu chuồng và mỗi cửa chuồng có bố trí hố/chậu sát trùng.
  • Cửa chuồng đóng mở dễ dàng, luôn đóng kín.
  • Lợn được xếp theo nhóm/cá thể, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm/cá thể.
  • Bố trí các chuồng nuôi phù hợp với luồng chu chuyển đàn và xuất lợn.
  • Khi di chuyển heo từ nhóm này sang nhóm khác, từ vị trí nhốt cá thể này sang vị trí nhốt cá thể khác phải đánh giá tình trạng sức khỏe trước và sau khi chuyển, cũng như phải vệ sinh đường đi của heo ngay sau khi chuyển.
  • Không được phép mang điện thoại vào Khu chuồng nuôi. Khi được phép thì phải gói điện thoại vào túi ni lông và không được bỏ điện thoại khỏi túi trong suốt thời gian làm việc ở trại.

Con người

  • Trước khi bước vào khu nuôi: phải thực hiện VSST HHVD, tuân thủ quy trình sát trùng. Người ra vào trại, sau khi thực hiện sát trùng-tắm gội thật kỹ thì đi thẳng vào khu nuôi. Nếu quay ngược lại thì phải thực hiện lại quy trình, và phải mang ủng, không được mang dép.
  • Trong quá trình làm việc: chỉ được đến khu chuồng nuôi được phân công, các khu có liên quan đến công việc được phân công và/hoặc các khu khác để hỗ trợ công việc được quản lý chỉ định (nếu có) khi thật sự cần thiết. Không được đi vào các chuồng nuôi khác mà chưa có sự cho phép hoặc điều động của quản lý trại; di chuyển theo luồng; Thực hiện đúng, đủ và tốt các bước/thao tác theo từng quy trình chăn nuôi theo chức trách và nhiệm vụ được giao với lòng nhiệt tâm và đầy trách nhiệm; báo cáo nhanh cho quản lý nếu phát hiện các vấn đề bất thường về hành vi/sức khỏe đàn/cá thể hoặc các lỗ hổng ATSH,...
  • Trước khi rời khu nuôi phải vệ sinh ủng (bao gồm cả đế ủng) sạch sẽ bằng xà phòng, úp ngược trên giá. Ủng phải được sát trùng vào cuối mỗi ngày (ngâm vào nước sát trùng ≥10 phút); vệ sinh hết chất hữu cơ và ngâm quần áo trong bồn sát trùng ≥30 phút; tắm gội-rửa thật kỹ; và mặc lại quần áo; mang dép trước khi vào khu nuôi, rồi trở về Khu làm việc và sinh hoạt.

b. Tiểu khí hậu chuồng nuôi  

TIỂU KHÍ HẬU CHUỒNG NUÔI

Chuồng

Nhiệt độ

Độ ẩm

Thông thoáng

Ghi chú

Nái đẻ

20 – 22oC (nái)

35oC (con)

>60% và <80%

1,2 – 1,5 m/s

 Ổ úm lợn con phải ấm và kín gió, mùa lạnh tốc độ gió thấp nhưng phải ≥0,5m/s 

Nái khô, nái chửa, hậu bị

18 – 20oC

>60% và <80%

1,5 – 3,0 m/s

Đo lại tất cả các điểm ≥0,8m/s

Đực giống

Sau cai sữa

18 – 20oC

28 – 30oC

>60% và <80%

≥1,8 m/s

0,3 – 2,0 m/s

Mỗi tuần giảm 2oC đến 63 ngày tuổi

Thịt

23 – 25oC

>60% và <80%

1,0 – 3,0 m/s

Mùa nóng ≥0,8m/s

Mùa lạnh ≥0,5m/s

c. Vaccine

  • Lên kế hoạch tiêm phòng tuần, tháng, quý, năm.
  • Tiêm đúng và đủ vaccine theo chương trình.
  • Đảm bảo 100% tổng đàn được tiêm.
  • Chỉ tiêm cho heo khỏe mạnh.
  • Việc tiêm phòng đồng loạt phải được thực hiện ≤1 tuần.
  • Quy trình vaccine được xây dựng có tham khảo chương trình vaccine của Chi cục thú y vùng và Chi cục thú y địa phương (có điều chỉnh tùy theo tình hình dịch tễ, dịch bệnh tại từng thời điểm cụ thể cho hệ thống/từng trại. VD: FMD, PRRS, MMA, APP,...)
  • Quy trình vaccine được xây dựng dựa trên tiêu chí an toàn, hiệu quả, giảm stress,… cho lợn.
  • Trực tiếp khảo nghiệm vaccine mới và bổ sung danh mục. Tránh bị động nguồn cung cấp khi thiếu hụt.
  • Bảo đảm chất lượng vaccine trước khi tiêm.
  • Kiểm tra hiệu lực một số vaccine sau tiêm phòng ở các trại (VD: FMD, PRRS, PCV2...) 1 lần/năm (không dịch) hoặc 2 lần/năm (có dịch).

d. Động vật trung gian

  • Thực hiện 5S thường xuyên để xua đuổi và hạn chế nơi trú ngụ của động vật trung gian.
  • Không trồng cây cao, cây lâu năm trong khuôn viên trại.
  • Thu gom và xử lý tốt nguồn chất thải (phân, nhau, xác heo chết, nước tiểu, nước rửa chuồng,…).
  • Vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày. Quản lý tốt thức ăn thừa và thức ăn rơi vãi. Phát hiện nơi khu trú hay lối đi của chúng và xử lý kịp thời.
  • Giăng lưới xung quanh chuồng nuôi và nơi khu trú tập trung của côn trùng
  • Tổng vệ sinh (nhặt, thu gom, sắp xếp các vật liệu, phát quang và xử lý cỏ, rác) và tổng khai thông cống rãnh toàn trại; loại bỏ hố đọng nước, che đậy các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp các nơi ẩm thấp trong và ngoài khuôn viên trại ≥1 lần/tháng (không dịch) hoặc ≥2 lần/tháng (có dịch).
  • Côn trùng: dùng hương xua đuổi, phun hoá chất/bẫy tiêu diệt ≥2 lần/tuần.
  • Động vật khác: dùng hơi thuốc, hơi khói để xua đuổi hay dùng bẫy, bả, hơi độc để tiêu diệt hoặc diệt trực tiếp bằng cơ học.
  • Vẽ và lưu lại sơ đồ đặt bẫy. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bẫy để thu gom và vệ sinh khu vực bẫy sạch sẽ.

e. Thực hiện All in - All out (AIAO)

Nguyên tắc chung

  • Hạn chế nhập heo từ nhiều nguồn/trại khác nhau.
  • Không có chênh lệch lớn về tuổi và khối lượng trong cùng đợt nhập.
  • Không để lại bất cứ con heo nào trong chuồng khi thực hiện cùng ra.
  • Được tiêm phòng đúng, đủ vaccine theo quy trình và đồng bộ.
  • Heo không đạt chuẩn thì gom và chuyển đến khu nuôi riêng, không nhập chung với đàn khác.
  • Cùng ra cũng có thể được thực hiện trong trường hợp trại/chuồng có dịch bệnh nặng, khó kiểm soát.

Sau khi kết thúc đợt nuôi, tiến hành VSST theo các bước sau:

  • Đảm bảo đầy đủ bảo hộ lao động (quần áo, mũ, nón, găng tay, ủng, mặc nạ phòng khí độc,…) cho người thực hiện công việc này. VSST bảo hộ lao động sau mỗi công đoạn thực hiện trong quy trình này.
  • Chú ý an toàn với hệ thống/nguồn điện trước và trong quá trình thực hiện.
  • Loại bỏ các chất độn chuồng/đệm lót sinh học (nếu có).
  • Làm sạch các chất hữu cơ, mảng bám, mạng nhện,…bám dính trên bề mặt trong chuồng nuôi (trần, vách, nền, sàn, cống rãnh,...), thiết bị và dụng cụ chăn nuôi… bằng các dụng cụ chuyên dùng (chổi, xẻng, bàn chải,...). Làm sạch bằng tay đối với những vật dụng thiết bị trong chuồng nuôi không sử dụng được vòi phun áp lực mạnh
  • Phun ướt tất cả bề mặt trong chuồng có thể (trần, vách, nền, sàn, cống rãnh,...) bằng vòi nước áp lực mạnh, để 30 phút, làm sạch bằng bàn chải và vòi phun áp lực mạnh, phun chất tẩy rửa và để qua đêm.
  • Tháo dỡ và ngâm các dụng cụ, sàn, vách ngăn, máng ăn, máng uống... vào bồn nước 0,5 ngày, vệ sinh bằng bàn chải và vòi phun áp lực mạnh, ngâm với chất tẩy rửa qua đêm. Với sàn bằng xi măng tấm lớn thì tháo dỡ tại chỗ, dựng đứng, phun ướt bằng vòi nước áp lực mạnh, để 30 phút, làm sạch bằng bàn chải và vòi phun áp lực mạnh, phun chất tẩy rửa qua đêm.

  • Tiến hành sửa chữa chuồng trại (nếu có).
  • Vệ sinh, làm sạch và khử trùng bồn chứa nước đầu nguồn và hệ thống cấp nước uống (bao gồm đường ống và núm uống).
  • Lắp ráp các phần đã tháo dỡ, trả về hiện trạng ban đầu.
  • Phun xịt chất tẩy rửa tất cả các bề mặt trên sàn và dưới sàn, để qua đêm.
  • Để khô ≥24 tiếng.
  • Chọn đúng, pha đúng và pha vừa đủ chất khử trùng (phải tương thích với chất tẩy rửa trước đó).
  • Phun thuốc khử trùng tất cả bề mặt bằng máy áp lực mạnh cho đến khi các bề mặt bão hòa (phun kỹ những góc cạnh khó tiếp cận hoặc dùng lửa khò). Đóng và niêm phong cửa chuồng.
  • Để khô ≥24 tiếng.
  • Quét/phun vôi tường, vách, nền, sàn,… Đóng và niêm phong cửa chuồng.
  • Để khô ≥24 tiếng.
  • Bật quạt và sát trùng tấm làm mát ≥6 tiếng.
  • Xông thuốc sát trùng, đóng và niêm phong cửa chuồng ≥24 tiếng.
  • Lắp đặt các chậu sát trùng ngay cửa và hành lang.
  • Để trống chuồng ≥3-7 ngày trước khi bắt đầu đợt nuôi mới.
  • Trước khi thả heo đợt mới ≥3 ngày, bật quạt hút hết khí độc, tiến hành phun sát trùng lần cuối trong chuồng.

PHÒNG KĨ THUẬT

 
Thông báo
Đóng